Các loại truyền động xe mô tô đều có ưu, nhược điểm. Tùy theo nhu cầu sử dụng, các hãng sẽ lựa chọn loại truyền động thích hợp cho xe.
Từng được sử dụng nhiều ở buổi bình minh của nền công nghiệp mô tô, truyền động bằng trục các-đăng dần trở nên ít phổ biến hơn. Thay vào đó. Phần lớn xe mô tô hiện nay sử dụng hình thức truyền động bằng xích tải và dây đai. Vì sao kiểu truyền động xích tải được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Hay trục các-đăng có nhược điểm gì dẫn đến sự “mất hút” so với các hình thức còn lại?
Truyền động bằng dây đai (cu-roa)
Là một trong những hình thức truyền thống đầu tiên được áp dụng cho mô tô, dây đai được phát triển từ các phát minh của thiên tài Leonardo da Vinci. Ban đầu, hệ truyền động này có cấu tạo gồm dây đai trơn và các pu-li trơn.
Lâu dần, hệ truyền động dây đai được nâng cấp về cơ cấu, vật liệu để tăng hiệu suất cũng như khả năng chịu tải. Kiểu dây đai và đĩa có răng ăn khớp với nhau ra đời. Dây đai có thêm lõi kim loại và sợi tổng hợp, giúp tăng độ cứng chắc.
Có cấu tạo tương đối phức tạp nhưng khối lượng nhẹ, dây đai thường được trang bị cho các mẫu xe mô tô cỡ lớn như cruiser, touring để tối ưu cân nặng. Vì khả năng vận hành êm ái. Dây đai cũng được sử dụng cho các mẫu xe tay ga hay xe điện.
Khác với xích tải, dây đai ít bị bám bẩn hơn và có độ bền lên đến 160.000 km. Bên cạnh đó, việc chăm sóc và bảo dưỡng dây đai cũng đơn giản hơn. Thậm chí chúng còn không cần sử dụng thêm các chất bôi trơn hay phụ gia chăm sóc như sên.
Bù lại, việc thay thế dây đai khó hơn khi cần thực hiện nhiều công đoạn phức tạp, cần phải tháo rời toàn bộ cụm gắp sau của xe. Ngoài ra, tỷ lệ hao hụt công suất của dây đai cao hơn so với sên, ở mức 11%.
Hiện nay, hãng xe còn sử dụng dây đai nhiều nhất là Harley-Davidson. Gần như tất cả mẫu xe của hãng mô tô Mỹ đều sử dụng hệ truyền động dây đai.
- Xe sử dụng: các mẫu xe của Harley-Davidson, xe mô tô điện…
- Ưu điểm: Nhẹ, sạch sẽ, dễ bảo dưỡng, độ bền cao
- Nhược điểm: Kết cấu phức tạp
Truyền động bằng trục các-đăng
Trục các-đăng là hình thức truyền động hiếm hoi dùng cho các ô tô và mô tô. Trên mô tô, trục các-đăng thường dùng cho các mẫu xe cổ điển và… đắt tiền. Hệ thống truyền động này gồm 2 cặp bánh răng đặt vuông góc với nhau. Hai cặp bánh răng côn này được lắp tuần tự từ đầu ra của hộp số cho đến trục bánh xe.
Ưu điểm của truyền động trục các-đăng là không cần bảo dưỡng nhiều và rất khó hư hỏng do kết cấu được che kín. Chủ xe chỉ cần thay dầu nhớt bên trong để đảm bảo các bánh răng hoạt động trơn tru.
Bù lại, trục các-đăng cũng có một số điểm trừ, một trong số đó là tỷ lệ hao hụt công suất khá cao, ở mức 25%-30%. Do đó, hình thức truyền động này không phù hợp với những xe cần gia tốc cao như sportbike, nakedbike. Bên cạnh đó, hiệu ứng trục (hiện tượng khung xe bị vặn xoắn mạnh khi tăng tốc đột ngột) cũng là một lý do khiến trục các-đăng không được sử dụng phổ biến.
Hiện nay, BMW Motorrad là hãng mô tô hiếm hoi còn sử dụng trục các-đăng cho các mẫu xe cỡ lớn như R 1250 GS, R 18 hay K 1600. Ở thế kỷ trước, loại truyền động này được sử dụng khá rộng rãi trên. Triumph, Moto Guzzi, Honda, Suzuki hay Yamaha.
- Xe sử dụng: BMW R 1250 GS, R 18, K 1600, Kawasaki Concours
- Ưu điểm: Độ bền cao, khó hư hỏng
- Nhược điểm: Hao hụt công suất nhiều, gây hiệu ứng trục
Truyền động bằng xích tải (sên)
Hình thức truyền động phổ biến nhất hiện nay là xích tải, được sử dụng từ xe máy đến mô tô phân khối lớn. Hệ truyền động này gồm xích tải (sên), đĩa dẫn động (nhông) và đĩa bị dẫn (đĩa). Có cấu tạo phức tạp nhất là xích tải, gồm các mắt xích liên kết với nhau bởi khớp.
Xích tải có nguyên lý vận hành khá giống với dây đai, khi bánh răng hộp số truyền động đến nhông, nhông sẽ kéo xích tải và làm quay đĩa nối với trục bánh xe. Tỷ lệ hao hụt công suất chỉ ở mức 3% giúp hệ truyền động xích tải được ưu tiên sử dụng nhiều hơn.
Ngoài ra, xích tải còn có ưu điểm như cấu tạo đơn giản, dễ thay thế, sửa chữa, chi phí chế tạo thấp hơn, chịu được cường độ cao, có thể thay đổi số tỷ số truyền giữa nhông và đĩa… Nhờ đó, xích tải được trang bị cho các mẫu xe máy rẻ tiền nhất đến các mẫu siêu mô tô hiệu suất cao.
Các bộ phận thường xuyên ma sát đi kèm ảnh hưởng của môi trường nên hệ truyền động này có tuổi thọ kém hơn dây đai và trục các-đăng. Một bộ xích tải phổ thông có tuổi thọ khoảng 15.000-20.000 km, tùy theo điều kiện sử dụng. Trong quá trình sử dụng, xích tải cũng ồn và rung nhiều hơn.
- Xe sử dụng: Phần lớn xe máy, mô tô
- Ưu điểm: Giá thành thấp, dễ sửa chữa, thay thế
- Nhược điểm: Tuổi thọ không cao, ồn và rung.